Thứ Sáu, 25 tháng 2, 2011

LO TOAN

Có lẽ nên mở đầu bài viết này là một tiếng thở dài. Có lẽ chưa bao giờ con người ta lại thở dài nhiều như hiện nay.

Giá điện đã được thông báo sẽ tăng vào đầu tháng 3 này, giá xăng thì vừa mới tăng một cách chóng mặt. 19.300 đồng/lít. Tuy chưa phải tự giải quyết về mặt vật chất trong cuộc sống nhưng tôi có cảm giác không an toàn và đáng sợ. Thấy nơi này dường như càng ngày càng nặng nề.

Gia đình tôi không phải thuộc vào dạng cơ cực nhưng không phải là khá giả. Dạo gần đây trong nhà luôn có không khí nặng nề. Chi tiêu trong nhà càng ngày càng tăng do mức giá cứ vùn vụt leo thang mà thu nhập thì vẫn thế. Nhìn ba mẹ, anh chị tìm cách xoay sở thấy lòng đau dữ lắm. Tuy bây giờ cũng làm thêm, dạy thêm nhưng thu nhập cũng chỉ có thể đủ để lo cho mình những thứ lặt vặt. Ước gì mình già hơn thì giờ này đã đi làm và phụ giúp gia đình. Khi càng lớn thì thấy mình lo nhiều thứ hơn. Nhìn những người bạn của mình thấy họ có vẻ vô tư hơn, không lo nghĩ nhiều về vấn đề tiền nong trong cuộc sống. Mỗi người mỗi cảnh...

Khi còn nhỏ, mỗi khi thấy cảnh con người ta trở nên thay đổi vì đồng tiền thì thấy họ không tốt. Lúc đó suy nghĩ tại sao họ lại để đồng tiền chi phối nhiều đến thế. Bây giờ lớn rồi nghĩ lại thấy sự thay đổi về tính tình nhiều khi không thể làm chủ. Ba mẹ dạo này cũng cáu gắt nhiều hơn, không còn giỡn với mình nhiều nữa. Thật sự thì thấy đau lòng nhiều hơn là buồn ba mẹ. Cuộc sống khó khăn nên ba mẹ phải bận tâm và lo nghĩ nhiều nên sao mà có thể vui vẻ như trước. Ngay cả bản thân tôi cũng vậy. Bạn bè hỏi dạo này sao thấy cứ buồn bã, ít nói. Chính bản thân tôi cũng thấy mình gắt gỏng với bạn bè. Như một lần gần đây, một người bạn rủ đi chơi ở tòa nhà Bitexco với giá 200.ooo đồng để tham quan cảnh SG trên cao. Tự nhiên lúc đó thấy bực mình nhỏ bạn kinh khủng vì không hiểu sao nó có thể phí phạm số tiền đó như thế chỉ cho việc chơi. Thực ra sau tôi cũng thấy rằng mình bực bội chẳng qua mình đang túng thiếu chứ chẳng phải người bạn của tôi có lỗi gì cả. Thấy mình sao mà đáng ghét....Thế cũng thấy đồng tiền cũng tác động không ít đến chúng ta.

Tôi chẳng hiểu các ngài ở trên đang làm cái trò khỉ gì nữa. Tôi không hiểu những kế hoạch kinh tế vĩ mô của họ tới đâu, ra sao và như thế nào. Tôi chỉ biết cuộc sống của người dân chúng tôi đang càng lúc càng khó khăn. Cảm giác rằng dường như mình đang sống trong tác phẩm Harry Potter của J.K. Rowling những ngày Voldemort đang hoành hành.

Những ngày đen tối như thế này bao giờ mới qua đi? Ánh nắng ban mai bao giờ mới đến?

Thứ Ba, 15 tháng 2, 2011

SWEET MEMORY



Chẳng hiểu sao dạo này lại thường hay ngẫm nghĩ lại những chuyện hồi xửa hồi hồi xưa, khoảng 10 năm về trước...

Sài Gòn dạo này không có một chút mưa nhưng cũng chẳng nóng nực gì cho lắm. Cứ dợn dợn, chút nóng, chút lạnh thế nào. Mưa bây giờ cũng khác nhiều so với hồi trước. Khác ở cách ta tiếp nhận nó. Hồi trước, nếu như những ai sống trong những khu phố lao động thì chắc chắn phải biết đi kèm với một trận mưa to là một trận ngập lụt trong nhà. Nhớ lại thấy cũng mắc cười nhưng cũng có chút tủi. Cứ mưa đến là y như rằng cả xóm mọi người thay phiên nhau tát. Gáo, xô, nồi, thau, ca.... đều được đem ra mà tát, mà múc. Con nít như tôi lúc đó thì rất ư là khoái trá, thích thú. Dù ba mẹ, anh chị kêu la cỡ nào cũng cứ xuống sàn mà vọc nước. Không hiểu sao mà lạ rất khoái, thích vô cùng. Đi lên gác xem ti vi cũng chẳng hay ho bằng việc tham gia " trò chơi tập thể" như thế! Bây giờ lớn rồi thấy cảnh này có lẽ sẽ ứa nước mắt. Sau này chuyển nhà đi, không còn ( được) tát nước như xưa...Bây giờ mà tát thì chắc khỏi tốn công tát ở nhà làm gì, ra đường chắc tiện hơn. Ngập đầy ra đó!

Cũng cơn mưa nhưng hồi xưa nghe nó khác. Nghe trên mái tôn! Hồi nhỏ, ngủ với chị ở một căn phòng trên gác xếp. Gọi là gác nên khi đứng lên thì chắc cũng sắp sửa đụng được cái mái tôn nhà. Vì lót tôn nên khi trời nóng thì cũng nóng kinh hồn và khi trời lạnh thì cũng lạnh dữ dội. Và mỗi khi mưa mà đổ xuống thì y như có ai đổ chục bao đá lên mái nhà. Rào!! Rào!! Những buổi tối trời mưa, nghe tiếng mưa rơi trên mái tôn trong không gian yên lặng có lẽ nhiều cảm xúc. Có chút gì đó đượm buồn và hơi ghê sợ. Mưa đêm mà, đặc biệt là ta lại cảm nhận nó một cách quá gần gũi! Hồi nhỏ thì chắc thấy buồn thì ít nhưng thấy sợ thì nhiều! Nếu mà tưởng tượng thì dám cả đống ma cỏ sẽ xuất hiện đặc biệt kết hợp với tiếng mèo kêu thì ôi thôi! Mà trẻ con là chúa tưởng tượng cộng thêm phần phụ họa nhác ma của bà chị thì thế nào cũng đi ngủ sớm vì sợ. Bây giờ cũng khác....Nhà bây giờ chắc ít ai còn xài tôn. Nhiều khi buổi tối trời có mưa cũng không biết. Mưa lặng lẽ đến và đi....

Cũng lúc nhỏ ra ngoài quận 1 là thấy xa xôi vô cùng. Mỗi khi ba mà dắt xe ra, dù không biết ba đi đâu nhưng cũng vòi theo. Tới giờ trong kì ức vẫn còn nhớ hình ảnh hộp đèn banner có dòng chữ SAMSUNG gấp nếp và ánh sáng đèn chạy qua chạy lại. Không nhớ chính xác là gặp nó ở đâu hồi nhỏ nữa. Hình như là ngay con đường Tôn Đức Thắng bây giờ thì phải. Không nhớ rõ. Rồi còn chuyện ba chở trên xe, đi ngoài đường thấy trên mấy tòa nhà cao tầng có cái ngọn đèn màu đỏ, chớp tắt, chớp tắt. Đường sá khi ấy không có rực đèn như bây giờ nên cái ánh sáng của nó thấy sao mà tà ma dữ dội. Lúc đó sợ vô cùng vì thấy ba chạy xa cỡ nào cũng thấy nó, giống như đang cố gắng đuổi theo mình. Mỗi lần biết sắp đến chỗ có ngọn đèn là y như rằng nhắm tịt mắt lại chờ một hồi mới dám mở mắt ra. Hồi nhỏ nỗi sợ hãi cũng nhỏ như vậy. :D

Hôm qua lấy dưới nhà lên hũ kẹo Sugus. Đây mà loại kẹo mà hồi nhỏ tôi rấ thích ăn. Nó chủ yếu có 4 mùi : dâu, cam, táo , nho. Hồi xưa, nghĩa là cách đây khoảng chừng 10 năm có, kẹo này hình như không có phổ biến như bây giờ. Lúc đó nó cũng hơi mắc thì phải. Không lầm là một hũ keo tròn giá là 50k. Nó mắc nên quý dữ lắm. Thường thì chỉ có chị mua cho thôi. Mỗi lần chị mà đem về hũ kẹo đó thì phải nói là mừng hết lớn. Một hũ nhiều màu sắc. Thời đó thì kẹo Sugus được gói bằng 2 lớp giấy. Lớp bọc trong cùng màu trắng đục như giấy á. Lớp bên ngoài bằng giấy kiếng, hương vị nào thì lớp giấy màu đó. Viên kẹo nằm bên trong và lớp giấy kiếng được quấn ở hai đầu. Nhìn thích lắm! Lần nào ăn xong cũng giữ lại giấy gói bỏ trong ngăn tủ, túi quần. Sau đó thì mẹ la rồi đem vứt vì nói mình xả rác trong nhà! Nói thế chứ cũng giữ được một ít, chơi bán đồ hàng với bạn hàng xóm. Bỏ viên đá vào trong rồi cũng xoắn lại như viên kẹo. Nhớ lại thấy tuổi thơ mình cũng ngọt dễ sợ. Bây giờ, kẹo Sugus đi đâu cũng thấy. Mẫu mã thấy không đẹp như hồi đó và cũng hông ngon bằng. Chẳng hiểu tại sao. Phải chăng cái gì ở tuổi thơ cũng ngọt ngào hơn cả?.....

Thứ Bảy, 23 tháng 10, 2010

I AM AN ENGLISH TEACHER




Phải nói rằng từ nhỏ, hầu như trẻ em gái nào ở Việt Nam cũng có ước mơ làm cô giáo. Không hiểu là vì sao. chắc có lẽ hình ảnh cô gáo luôn là một người biết nhiều, hiểu rộng và có quyền " gõ đầu trẻ" !!! Tôi cũng không là một ngoại lệ. Thuở nhỏ và ngay cả khi lớn lên như thế này cũng còn thích dạy học, dạy tiếng Anh hay Lịch sử. Càng lớn thì lại thay đổi, muốn làm đủ thứ như tiếp viên hàng không, doanh nhân và đủ thứ. Nhưng cái ước mơ thuở nhỏ khi nào cũng không mất đi và giờ đây I am an English teacher!

Khi chọn trường Đại học, tôi đã không chọn Sư phạm để trở thành giáo viên vì nhiều lí do: phải dạy theo khuôn mẫu,không thích nhiều bó buộc trong trường học và có lẽ tôi sợ chán! Ngày nào cũng đến lớp , chấm bài, dạy học nên với một người mau chán như tôi thì chuyện đó thật kinh khủng! Nhưng bây giờ I am an English teacher!

Lớp học tiếng Anh mà tôi đang dạy có 4 học sinh. Trong đó hết 3 đứa là cháu trai và cháu gái!!! lol.
Dạy theo giáo trình Let's go. Cái cảm giác mà mình ngồi giảng bài và 4 cặp mắt nhìn mình chăm chăm với vẻ thích thú thì phải nói rằng khá thú vị. Rồi cảm giác được gọi là "Miss" cũng vui không kém! Nhìn những học trò của mình chăm chỉ học tập hay đùa giỡn với nhau thì mình cũng thấy vui vẻ theo. Những năm học tiếng Anh ở trung tâm VATC đã giúp tôi có thêm hiểu biết về một phương pháp dạy tiếng Anh hiệu quả. Phải kết hợp những trò chơi vào thì những đứa trẻ mới có thể nhớ nhanh và lâu hơn. Vấn đề là mỗi ngày phải nghĩ ra trò chơi thì không dễ tí nào.

Vậy là tôi đã dạy học được gần một tháng. ( I did have salary) Thêm việc dạy học thì quả thật giờ đây tôi không còn nhiều thời gian cho chính mình. Học Đại học ở trường, làm thuyết trình, PR cho câu clb của khoa.....! Bận như thế nhưng cũng ko muốn cancel lớp học của mình ngày nào!

Thôi, tôi đi chuẩn bị bài giảng cho chiều nay đây. :)

Thứ Hai, 4 tháng 10, 2010

Triết học ở Việt Nam

Triết học xuất hiện trong hệ thống giáo dục Việt Nam là vào những năm cấp 3 nhưng với tên gọi là Giáo dục công dân. Lúc ấy thì không nhớ rõ lắm là mình đã được học cái khỉ gì nữa??!!! Nếu không nhớ sai thì đã PHẢI ( hay ĐƯỢC) học về các bác Marx và Engels và bla bla bla... Thực sự với tư cách là một cựu học sinh phổ thông, tôi phải thừa nhận rằng đã bao lần tự hỏi bản thân và bạn bè xung quanh rằng :" Triết học hay những lời nói của các ông Marx và Engels là cái giống chi mà mình phải học!"

Phải nói rằng Triết học không được ưu ái, yêu thích ở Việt Nam cho lắm, từ già đến trẻ, từ trai đến gái! Giờ triết ở lớp là giờ mà có lượng học sinh nghỉ nhiều nhất hoặc ngủ nhiều nhất! Vấn đề đặt ra là: tại sao?
- Làm sao học sinh có thể yêu thích cho được khi lần đầu tiên tiếp xúc với Triết là với hàng đống khái niệm mà khái niệm nào cũng nhập nhằng, lung tung và lủng củng!
" Vật chất là phạm trù triết học dùng để chỉ thực tại khách quan được đem lại cho con người trong cảm giác, được cảm giác của chúng ta chép lại, chụp lại, phản ánh lại và tồn tại không lệ thuộc vào cảm giác" ( Lenin).
Thế đấy! Giáo viên nào mà tốt bụng sẽ giải thích, giảng lại một cách đơn giản để học sinh dễ hiểu. Còn không thì học sinh cứ thế mà ê a " vật chất...." mà trong đầu chẳng hiểu một tí gì! Một khi con người ta không hiểu cái gì, thấy nó nhập nhằng thì lại đâm ra chán mà người ta lại không thể nào yêu thích cái người ta đã chán! => không bao giờ để tâm đến nó!
- Dường như có một vòng lẩn quẩn gì đấy giữa người dạy và người học:
thầy dạy dở, chán, không tâm huyết <-----------> học trò không thích học, không quan tâm
-Cái nhìn thiển cận của một số người Việt. Hầu hết ngay chính phụ huynh và học sinh lúc nào cũng xem ra học là một cách để kiếm tiền, để có một cuộc sống tốt. Việt Nam đang phát triển cho nên hầu hết mọi người đều hướng tới những ngành, những môn học có thể kiếm ra tiền nhiều. Đó cũng là một phần lí do tại sao học sinh Vn lại không quan tâm đến Triết học bởi người ta nhìn nhận Triết học không thể tạo một việc làm với lương cao như Toán hay ngoại ngữ.
Phải nói rằng Triết học là một môn học có hiệu quả cao nếu như ta biết khám phá! Chính Triết học ra đời đầu tiên trong cách ngành khoa học đấy chứ! ( tiếp đó là Toán, Lịch sử) Thế nhưng học sinh hay chính giáo viên cũng không hề biết đến sự cần thiết của triết học trong cuộc sống! Trong khi đó, hình như môn học này lại rất được người dân phương Tây ưa chuộng. Triết học là sự phản biện. Đó giải thích sao con người phương tây hay tranh luận. Tranh luận để tìm đến cái đúng. Còn người Việt nam thì trên đưa sao , dưới làm vậy. Nếu trên nói 1+1 = 3 thì ở dưới cũng chẳng dám phản bác!
Đó là một vài lí do tiêu biểu tại sao triết học ko có giá trị cao tại Vn.
Sinh viên năm nhất, học Triết học, tôi thấy mình rất may mắn khi gặp một giáo viên rất tuyệt vời. Học được hai ngày ( không ngủ ngày nào!), tôi thấy mình đã dần hiểu ra Triết học là gì và bắt đầu thực sự yêu thích nó ( tính đến thời điểm hiện nay). Trong lòng thấy vui vì đã tìm được một điều mới mẻ để khám phá, thấy vui vì đã cùng thầy giáo tranh luận về một vấn đề! Nhưng khi nhìn lại một số bạn bè trog lớp, tôi vẫn thấy rằng hình như họ chưa ngộ ra vấn đề nên vẫn còn thái độ miễn cưỡng. ( hay phải chăng họ ngộ ra vấn đề ở mức cao hơn tôi??!!)
Thôi thì chúng ta cứ trông mong vào một tương lai tươi sáng hơn! ( mặc dù không biết là bao giờ!)

p.s Tôi không hề nhận bất cứ hối lộ nào từ hai bác Marx và Engels khi viết bài này!